Ác mộng thời tiết ở Olympic 2020

Nhật BảnBên cạnh mối lo Covid-19, các VĐV còn phải thi đấu dưới nắng nóng được dự báo có thể chạm ngưỡng kỷ lục trong thời gian Thế vận hội Tokyo 2020 diễn ra.


Một cua-rơ nữ kiệt sức, phải dùng quạt nước thổi vào người sau khi xong phần thi ở Olympic 2020. Ảnh: AFP

Một cua-rơ nữ kiệt sức, phải dùng quạt nước thổi vào người sau khi xong phần thi ở Olympic 2020. Ảnh: AFP

“Thời tiết là yếu tố rất quan trọng tại Olympic lần này, đặc biệt với môn thể thao đòi hỏi sức bền và thi đấu ngoài trời với thời gian kéo dài gần hai tiếng. Để cạnh tranh và giành huy chương, quan trọng nhất là chúng tôi cần nhanh chóng thích nghi với điều kiện thời tiết nóng ẩm tại Tokyo”, Javier Gomez Noya – VĐV triathlon Tây Ban Nha từng giành HC bạc tại Olympic 2012 – nói với Marca.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Thể thao Sức bền Anh, Trung tâm Khí hậu Quốc tế Priestley tại Đại học Leeds, Đại học Portsmouth, các VĐV phải đương đầu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Tokyo, nơi nhiệt độ tăng tới 2,86 độ C kể từ năm 1990. Mức tăng này nhanh hơn gấp ba lần trung bình của thế giới.

Đội khúc côn cầu nữ Tây Ban Nha, vì thế, phải thay đổi kế hoạch tập luyện, khi quyết định ra sân vào đầu giờ chiều để làm quen với thời tiết nắng nóng. Một tuyển thủ kể trước khi lên đường đi Tokyo: “Khí hậu tại Nhật Bản quá khác biệt, nên chúng tôi chọn đến Valencia để tập luyện. Chúng tôi tập lúc 2h chiều, giờ cao điểm của nắng nóng. Đúng là chúng tôi đã phải chịu đựng, nhưng toàn đội đang thích nghi dần với điều kiện thời tiết khắc nghiệt”.

Pablo Herrera và Adrian Gavira, hai VĐV bóng chuyền bãi biển vốn quen thi đấu ở nền nhiệt cao, cũng phải thay đổi thói quen tập luyện để hướng tới Olympic Tokyo 2021. “Chúng tôi phải tập luyện để thích nghi với cái nóng và đó là lý do tại sao chúng tôi lựa chọn thành phố Lorca, Tây Ban Nha. Tại đây, chúng tôi tập luyện ở nhiệt độ 40 độ, vào những giờ nóng nhất trong ngày”, Herrera kể.


Nền nhiệt tăng cộng độ ẩm cao khiến VĐV các môn thi đấu ngoài trời tại Tokyo tiêu tốn rất nhiều sức lực. Ảnh: AP

Nền nhiệt tăng cộng độ ẩm cao khiến VĐV các môn thi đấu ngoài trời tại Tokyo tiêu tốn rất nhiều sức lực. Ảnh: AP

Nhiệt độ trung bình dự kiến cho tháng Bảy ở Tokyo là 25 độ, trong khi vào tháng Tám, nhiệt độ tăng lên 26,4, chỉ thấp hơn Thế vận hội Athens 2004 tại Hy Lạp, nơi ghi nhận mức tối đa lên tới 34 độ. Dù vậy, độ ẩm tại thủ đô Nhật Bản hè này cao hơn nhiều, lên đến hơn 50%, qua đó biến Tokyo 2021 trở thành kỳ Thế vận hội diễn ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng và khắc nghiệt nhất lịch sử.

Năm 1964, khi Tokyo lần đầu đăng cai Olympic, các nhà tổ chức đã lùi lịch từ mùa hè sang tháng Mười. Nền nhiệt khi đó thấp hơn, giúp các VĐV thi đấu và người hâm mộ đến theo dõi trực tiếp thấy thoải mái hơn.

Đội bóng đá nam Tây Ban Nha, dưới sự dẫn dắt của HLV Luis de la Fuente, đã hội quân tại Benidorm, nơi có nền nhiệt gần giống Nhật Bản. Họ đã tập luyện gần hai tiếng mỗi ngày, trong mười ngày liên tiếp, để thích nghi với nền nhiệt cao, và nuôi tham vọng tranh tấm HC vàng tại Tokyo 2020.

Nhưng cũng có những trường hợp VĐV gặp sự cố, dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng để thích nghi với thời tiết khắc nghiệt tại Nhật. Nữ cung thủ Nga Svetlana Gomboeva ngất xỉu do bị say nắng, khi đang kiểm tra điểm số cuối cùng ở vòng loại hôm 23/7. Các bác sĩ và đồng đội phải đưa cô rời trường bắn bằng cáng. Sau khi được chườm đá, cung thủ 23 tuổi mới hồi tỉnh.


Đội bắn cung Nga chườm đá cho Gomboeva sau khi nữ cung thủ này ngất xỉu vì nắng nóng hôm 23/7. Ảnh: Reuters

Đội bắn cung Nga chườm đá cho Gomboeva sau khi nữ cung thủ này ngất xỉu vì nắng nóng hôm 23/7. Ảnh: Reuters

“Chúng tôi hy vọng Gomboeva sẽ ổn. Cô ấy không thể chịu được cả ngày trời nắng nóng. Chúng tôi từng tập ở Vladivostok dưới nền nhiệt tương tự, nhưng độ ẩm ở Tokyo quá cao, nên dẫn đến sự cố”, HLV của Gomboeva, ông Stanislav Popov, giải thích.

Đồng đội của Gomboeva, Ksenia Perova cũng xem thời tiết là trở ngại lớn. Cô nói: “Có lẽ là do say nắng. Thời tiết ở đây rất nóng. Tất nhiên, chúng tôi có căng thẳng khi thi đấu, nhưng thời tiết vẫn là nguyên nhân chính”.

Khi sự cố của Gomboeva xảy ra, nhiệt độ ở Tokyo là 33 độ C. Theo Kang Chae-young – nữ cung thủ Hàn Quốc xếp thứ ba vòng loại, cô chưa từng trải qua điều kiện thi đấu nào khắc nghiệt như tại Olympic năm nay.

Hai ngày trước khi môn quần vợt khởi tranh tại trung tâm Ariake, Tokyo, các tay vợt đã phàn nàn rằng họ như phải thi đấu trong một phòng xông hơi, do nền nhiệt và độ ẩm cao tại thủ đô Nhật Bản. Liên đoàn Quần vợt Quốc tế (ITF), vì thế, đã tăng thời gian nghỉ giải lao cho các trận đấu tại Olympic Tokyo 2021. Theo đó, VĐV sẽ được nghỉ mười phút giữa hiệp hai và hiệp ba. Họ cũng có thêm 30 giây trong thời gian nghỉ giải lao giữa các game.


Tăng thời gian giải lao, chườm khăn đá và dùng cả quạt đá chuyên dụng ... là các giải pháp được đưa ra để giảm nhiệt cho VĐV ở môn tennis. Ảnh: i

Tăng thời gian giải lao, chườm khăn đá và dùng cả quạt đá chuyên dụng … là các giải pháp được đưa ra để giảm nhiệt cho VĐV ở môn tennis. Ảnh: i

Sau khi hạ Hugo Dellien 6-2, 6-2 ở vòng một đơn nam hôm 24/7, Novak Djokovic phàn nàn: “Điều kiện thi đấu rất khắc nghiệt. Hôm nay là ngày nóng nhất và nhiều tay vợt đồng ý với tôi về điều đó. Nắng nóng cùng độ ẩm cao khiến mặt sân cứng hấp thụ nhiệt rất nhiều. Ngoài ra, sân cũng không có chút gió nào. Ít ngày qua, trời còn có gió để hạ nhiệt, nhưng hôm nay thì không. Điều kiện thi đấu hiện tại là thử thách, nhưng tôi vui đã vượt qua vòng đầu tiên”.

Daniil Medvedev và nhiều tay vợt phải lấy khăn chườm đá để đối phó với nắng nóng trong các buổi tập luyện và thi đấu tại Tokyo lần này. Vào ngày thi đấu, họ thậm chí phải dùng quạt đá mini chuyên dụng để hạ nhiệt cơ thể lúc giải lao.

Ở môn xe đạp, các cua-rơ phải liên tục uống nước để tránh sự cố khi thi đấu đường trường dài bảy giờ đồng hồ. Khi về đích, họ lập tức chườm đá để hạ nhiệt. “Mọi người cứ nghĩ VĐV đến từ quần đảo Balearic ở Tây Ban Nha như tôi và một số đồng đội thì quá quen với nắng nóng và độ ẩm cao. Nhưng thời tiết ở Tokyo rất khác. Chúng tôi chẳng vận động gì, nhưng chỉ sau mười phút, cơ thể đã đổ mồ hôi”, cua-rơ nữ Margarita Victoria García than vãn.

Đồng hương của García, Airán Fernández cũng ngán độ ẩm cao tại Tokyo. Cua-rơ nam nói: “Nhiệt độ này cũng bình thường thôi. Người Nhật đã quen với thời tiết này. Vì thế, nhiều người bình luận rằng VĐV Tây Ban Nha và Nhật Bản có lợi thế hơn tại Thế vận hội này. Thích ứng với nhiệt độ là yếu tố quan trọng trong thể thao đỉnh cao. Tây Ban Nha cũng có nền nhiệt cao, nhưng độ ẩm tại đây như muốn giết chúng tôi vậy. Các môn khác còn đỡ, nhưng trong cuộc đua xe đạp, nhiều người đã phải trả giá vì không chịu được nắng nóng và độ cẩm cao”.

Sức nóng tại Tokyo còn đến từ tiếng ồn, với tiếng kêu của “Tanna japonensis” – một loài ve sầu thuộc chi Tanna đặc biệt phổ biến tại Nhật Bản. Theo Marca, tiếng kêu của loài ve sầu này giống với vuvuzela – loại kèn có khả năng gây tiếng ồn lên đến 113 dB, cao hơn còi xe, và từng bị FIFA đã cấm mang vào sân ở World Cup.


Tiếng ồn từ ve sầu là một ác mộng khác, khiến VĐV thêm ngột ngạt và ức chế khi thi đấu tại Tokyo 2020. Ảnh: Then24

Tiếng ồn từ ve sầu là một ác mộng khác, khiến VĐV thêm ngột ngạt và ức chế khi thi đấu tại Tokyo 2020. Ảnh: Then24

Ngoài ra, theo Ban tổ chức Tokyo 2020, một số cuộc thi ngoài trời ở Vịnh Tokyo và các vùng xung quanh thủ đô còn có thể bị ảnh hưởng bởi một cơn bão trong ít ngày tới. Bão nhiệt đới Nepartak hiện ở phía Đông Nam Nhật Bản, và được dự báo sẽ sớm đổ bộ vào Tokyo trong nay mai. Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản, cơn bão sẽ khiến Tokyo mưa lớn, triều cường dâng cao và gió giật mạnh.

Ban tổ chức, vì thế, đã lùi lịch một số sự kiện thi đấu chèo thuyền ở Vịnh Tokyo, và sẽ không có cuộc tranh tài nào được tổ chức trong hôm nay 26/7.

Hồng Duy (theo Marca)

Nguồn: VNEXPRESS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *